Tác giả: Xuân Tiên
Ngàn gió ru muôn tiếng vang trong tối tăm mịt mù
Vạc kêu sương buồn nhắc đây bao lúc xưa quật cường
Đàn đóm vương như bóng ai trong lúc đêm trường về
Rừng trầm cô tịch, đèo cao thác sâu
Đồi hoang suối reo hoang vắng cheo leo
Ngàn muôn tiếng âm tháng năm buồn ngân
Âm thầm hoà bài hận vong quốc ca
Người xưa đâu, mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu
Lầu các đâu, nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu
Đồ Bàn miền Trung đường về đây
Máu như loang thắm chưa phai dấu
Xương trắng sâu vùi khí hờn căm khó tan
Kìa ngoài trùng dương đoàn thuyền ai
Nhấp nhô trên sóng xa xa tắp
Mơ bóng Chiêm thuyền Chế Bồng Nga vượt khơi.
Về kinh đô ngàn thớt voi uy hiếp quân giặc thù
Triền sóng xô muôn lớp quân Chiêm tiến như tràn bờ
Tiệc liên hoan nhạc tấu vang trên xứ thiêng Đồ Bàn
Dạ yến ban cung nữ dâng lên khúc ca về Chàm
Một thời oanh liệt người dân nước Chiêm
Lừng ghi chiến công vang khắp non sông
Mộng kia dẫu tan cuốn theo thời gian
Nhưng hồn ngàn đời còn theo nước non
Người xưa đâu, mồ đắp cao hay đã sâu thành hào
Lầu các đâu, nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu
Người xưa đâu?
Người xưa đâu?
Người xưa đâu?
============================
Ca khúc Hận Đồ Bàn là một bài nhạc vàng nổi tiếng của nhạc sĩ Xuân Tiên được sáng tác vào thập niên 1950. Về hoàn cảnh sáng tác của ca khúc này, nhạc sĩ Xuân Tiên chia sẻ rằng thời trẻ ông đã nghiên cứu về âm điệu của các miền đất nước, trong đó có vùng Qui Nhơn, Bình Định. Sau này khi đã vào Sài Gòn, công tác trong đài phát thanh, ông muốn sáng tác 1 ca khúc với chủ đề khác với chủ đề tình yêu đôi lứa của các nhạc sĩ khác nên mới tìm hiểu lại lịch sử của vùng đất Bình Định, về dân tộc Chăm và lịch sử vương quốc Champa mấy trăm năm trước đó để sáng tác thành ca khúc Hận Đồ Bàn, nói thay lời của người dân nước Chiêm bị “vong quốc” năm xưa.
Đồ Bàn – trong nhiều thế kỷ – chính là kinh đô của Chiêm quốc, gắn liền với tên tuổi vị vua nổi tiếng nhất của dân tộc Chăm là Chế Bồng Nga (Po Binasuor). Để tìm hiểu về ca khúc Hận Đồ Bàn, xin sơ lược về lịch sử Champa (không đi sâu vào chi tiết, vì những tư liệu lịch sử này dễ dàng tiếp cận trên internet).
Champa là một quốc gia cổ, từng tồn tại suốt 17 thế kỷ, từ năm 192 đến 1832 trong công nguyên, độc lập với Đại Việt ở phía Bắc và đế quốc Khmer ở phía Tây. Thời cực thịnh, vương quốc Champa mở rộng từ Quảng Bình cho đến Bình Thuận ngày nay. Vào thời kỳ đó, lãnh thổ của Đại Việt chỉ từ Quảng Bình trở lên, còn từ Bình Thuận trở vào phía Nam là lãnh thổ của người Khmer (Phù Nam, Chân Lạp, Khmer).
No comments:
Post a Comment