Mùa thu thưa nắng gió mang niềm nhớ
Trời chiều man mác buồn nát con tim
Lệ tình đẫm ướt tà áo trinh nguyên
Kỷ niệm êm đềm còn in trên giấy
Người ôm thương nhớ ra đi từ đấy
Trời đày hai đứa vì thiếu tơ duyên
Rừng còn thay lá tình vẫn chưa yên
Thương chi cho lắm giờ cũng xa nhau.
Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu
Nhịp cầu ô thước hẹn đến mai sau
Ngày dài nhung nhớ mình cũng như nhau
Trên cao bao vì sao sáng
Rừng vắng có bao lá vàng
Là bấy nhiêu sầu.
Người đi hoa lá chết trong mùa nhớ
Người về lặng lẽ tình vẫn bơ vơ
Thà rằng chôn kín mộng ước xa nhau
Quên đi cho hết một kiếp thương đau.
Lệ tình đẫm ướt tà áo trinh nguyên
Kỷ niệm êm đềm còn in trên giấy
Người ôm thương nhớ ra đi từ đấy
Trời đày hai đứa vì thiếu tơ duyên
Rừng còn thay lá tình vẫn chưa yên
Thương chi cho lắm giờ cũng xa nhau.
Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu
Nhịp cầu ô thước hẹn đến mai sau
Ngày dài nhung nhớ mình cũng như nhau
Trên cao bao vì sao sáng
Rừng vắng có bao lá vàng
Là bấy nhiêu sầu.
Người đi hoa lá chết trong mùa nhớ
Người về lặng lẽ tình vẫn bơ vơ
Thà rằng chôn kín mộng ước xa nhau
Quên đi cho hết một kiếp thương đau.
=======================
Hoàn cảnh sáng tác
Nhạc phẩm “Thu Sầu” – Lời tâm sự của một cuộc tình trái ngang
Ngoài vô số các tác phẩm văn chương (truyện, thơ, khảo cứu,…), nền âm nhạc miền Nam Việt Nam trước những năm 1975 cũng chất chứa một kho tàng văn chương quý báu và khổng lồ. Điểm đặc sắc trong âm nhạc miền Nam Việt Nam trước năm 1975 là tính chất nhân văn, đầy tình cảm và chứa đựng tình người. Trái ngược với những ca khúc về người lính Việt Nam Cộng hòa trong cuộc chiến tranh không khoan nhượng, kiên cường, bất khuất bằng những giai điệu mạnh mẽ, hùng hồn. Thì đâu đó vẫn có những nhạc phẩm ngợi ca quê hương đất nước, cho thấy được tình yêu dành cho quê nhà, thấy khung cảnh ấm êm của người dân miền Nam. Bên cạnh đó, nổi bật không kém trong nền nhạc miền Nam trước năm 1975, chính là những bản tình ca đầy lãng mạn, hoặc những tình khúc chất chứa nỗi sầu miên man về cuộc tình dang dở,…Từ câu từ, đến giai điệu, cách dùng chữ, kỹ thuật trình bày ý tưởng đầy tinh vi, truyền đạt đầy đủ những tâm tư của tác giả.Nói đến tình ca lãng mạn, hay những tình khúc sầu bi của nền nhạc miền Nam Việt Nam từ trước những năm 1975 thì không thể nào không nhắc đến – Nhạc sĩ Lam Phương – Người nhạc sĩ tài hoa, nổi tiếng về những tình khúc truyền cảm và lãng mạn.
Ca khúc “THU SẦU” được ông sáng tác vào năm 1969 khi cuộc chiến đang tiến vào thời kỳ khốc liệt của cuộc Tổng tiến công năm Mậu Thân (1968). Mặc dù, đây không là tình khúc xuất sắc nhất, thành công nhất của nhạc sĩ, nhưng “THU SẦU” lại chính là nhạc khúc mang giá trị nghệ thuật cao nhất của ông bởi giai điệu êm ái, nhẹ nhàng cùng lời ca gợi lên nỗi buồn miên man trong cuộc tình đầy ngang trái và ý nghĩa cao thượng không gì sánh bằng.
Trong nhiều ca khúc, phải chăng mùa thu chính là mùa của những cuộc chia ly?
Mùa thu thưa nắng gió mang niềm nhớ
Trời chiều man mát buồn nát con tim
Lệ tình đẫm ướt tà áo trinh nguyên
Kỷ niệm êm đềm còn in trên giấy
Những giọt lệ khóc thầm của cuộc tình này đã thấm đẫm cả tà áo dài trắng tinh ấy, những kỉ niệm vẫn còn hằn sâu trong ký ức, in nguyên trên những trang giấy học trò. Với nhiều người, mùa thu là mùa mà lòng người yếu mềm nhất, mùa của sự xơ xác, hiu quạnh, dễ đánh động lòng người cô đơn.
Người ôm thương nhớ ra đi từ đấy
Trời đày hai đứa vì thiếu tơ duyên
Rừng còn thay lá tình vẫn chưa yên
Thương chi cho lắm giờ cũng xa nhau.
Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu
Nhịp cầu ô thước hẹn đến mai sau
Ngày dài nhung nhớ mình cũng như nhau
Trên cao bao vì sao sáng
Rừng vắng có bao lá vàng
Là bấy nhiêu sầu.
Nỗi buồn của hai người thật là sâu đậm như sao trên trời, như lá trong rừng. “Nhịp cầu ô thước hẹn đến mai sau” – Câu hát này làm ta liên tưởng đến mối tình buồn của Ngưu Lang và Chức Nữ – Một cuộc tình bị ngăn cách, chỉ có thể gặp nhau trong thời gian ngắn, sau đó lại chia ly thật lâu, tưởng chừng không bao giờ gặp lại. “Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu” – Ta không rõ hoàn cảnh hai người gặp lại nhau là như thế nào? Nhưng có thể chắc chắn một điều là hai người đều mong ngóng nhau, mong muốn gặp lại nhau dù chỉ là tình cờ.
Người đi hoa lá chết trong mùa nhớ
Người về lặng lẽ tình vẫn bơ vơ
Thà rằng chôn kín mộng ước xa nhau
Quên đi cho hết một kiếp thương đau.
Câu hát “Thà rằng chôn kín mộng ước bay xa” đã bộc lộ nên sự xót xa của cuộc tình này. Hai người yêu nhau, dù biết chắc rằng không thể nên duyên vợ chồng, chẳng thể đi với nhau đến hết đoạn đời còn lại, nhưng vẫn bất chấp đớn đau để một lần nếm trải mật ngọt của cuộc tình. Nhưng kết quả lại tàn khốc hơn, cô gái thầm ước là đừng quen nhau, đừng biết nhau, đừng đến với nhau. Vì đến làm chi, khi kết cục chia ly thế này?
Ca khúc “THU SẦU” của tác giả Lam Phương là một tình khúc kể về một câu chuyện tình buồn, nó là lời tâm sự của một người trong mùa thu cùng bao niềm nhớ với một cuộc tình dang dở. Lời tâm sự chính là nỗi đau tại sao hai người yêu nhau nhiều đến thế, hi sinh nhiều đến thế nhưng cuối cùng kết quả lại bị cách xa. Dù bài hát không nói rõ nguyên do chia tay, nhưng thông qua giai điệu và ca từ ít nhiều chúng ta cũng thấy được nỗi đau mà người đó phải gánh chịu, sự mơ hồ tạo nên nét bí ẩn trong câu chuyện, ẩn nhẫn của sự chịu đựng, âm thầm hi sinh cho tình yêu, tấm lòng cao cả của người tâm sự đang muốn quên đi người yêu cũ.
Bài hát được diễn tả theo âm điệu truyền thống với giai điệu nhẹ nhàng, tiết tấu vững vàng, làm toát lên nỗi buồn của câu chuyện, phù hợp với một bản tình ca buồn. Cách diễn đạt của nhạc sĩ Lam Phương có thể nói là vô cùng hay, vô cùng nghệ thuật, bằng những mỹ từ độc đáo.
Có thể nói, nhạc khúc “THU SẦU” không hề có nét sôi động hay sự thảm thiết của một chuyện tình buồn, nhưng cũng đủ để mang lại cho người nghe một cảm xúc lâng lâng, chìm đắm trong nỗi buồn man mác, đánh sâu vào cảm xúc của người nghe. Bài hát chính là đại diện tình yêu lãng mạn nhưng giá trị đạo đức xã hội cao, nét trong sạch trong câu chuyện tình của người miền Nam trước những năm 1975.
No comments:
Post a Comment